Bảo vệ môi trường với xe đạp năng lượng mặt trời

2025-01-17 18:36:46

Tổ chức phi chính phủ Caritas (Thụy Sỹ) đang thực hiện dự án Thí điểm xe đạp điện hai bánh và năng lượng điện mặt trời, kết hợp mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người nghèo và người khuyết tật tại Hà Nội (BK-Ebike).

Dự án có các hoạt động tuyên truyền để người dân, nhất là người trẻ thay đổi nhận thức, từ đó chuyển sang sử dụng xe điện, xe năng lượng mặt trời, nhằm góp phần giảm khí thải, bảo vệ môi trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một mô hình hay và cần nhân rộng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Nhiều bạn trẻ hào hứng với dự án này.

Trung tâm dịch vụ xe điện Bách khoa cho thuê xe điện và dịch vụ sửa chữa xe điện được đặt ngay ở đầu cổng vào của ký túc xá. Mái phía trên là hệ thống pin năng lượng mặt trời. Hiện tại, trung tâm có 40 xe đạp điện cho thuê với mức giá thuê là 12.000 đồng/giờ, 100.000 đồng/ngày… Trong khi mức giá cho thuê xe đạp điện bên ngoài khoảng 20.000 đồng/giờ.

Nguyễn Thị Ngọc Anh, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Bách Khoa cho biết: Ngay từ khi Trung tâm khai trương, mình và một người bạn đã quyết định thuê xe đạp điện để đi thử và thấy rất thú vị. Đối với sinh viên, giá thành cho thuê như thế này tương đối ổn. Đồng thời, khi sử dụng xe đạp điện để đi lại, bọn mình đã góp phần bảo vệ môi trường.

Giới thiệu dự án đến các bạn trẻ người nước ngoài tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc dự án BK-Ebike, khảo sát của dự án cho thấy, trong 100km đi trên đường Hà Nội, xe chạy bằng xăng sẽ thải ra môi trường hơn 7kg CO2, xe đạp sạc bằng điện xả 0,7kg CO2 còn xe đạp sạc bằng năng lượng mặt trời xả thải 0,5kg CO2. Chính vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng của dự án là truyền thông, thay đổi nhận thức, hành vi cho người tham gia giao thông về phương tiện giao thông công công sử dụng năng lượng mặt trời. Trung tâm đã có website, fanpage và tổ chức các hoạt động truyền thông cho các bạn sinh viên về việc sử dụng xe đạp điện.

Theo chuyên gia trong ngành giao thông, xe đạp điện là một phương tiện giao thông “sạch” và tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, muốn loại hình giao thông này phát triển cần phải có hạ tầng giao thông đi kèm phù hợp.

Thông điệp của dự án là "Năng lượng xanh, giao thông sạch".

Ông Phạm Tuấn Hiệp nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên dự án sử dụng năng lượng mặt trời cho giao thông được thực hiện tại Việt Nam. Nếu mô hình thí điểm này thành công sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải.

Qua mô hình này, tôi mong muốn truyền tải thông điệp “Năng lượng xanh, giao thông sạch” tới cộng đồng để từ đó mọi người có thể quan sát, tiếp nhận, học tập và nhân rộng mô hình ra. Đồng thời, hi vọng rằng, trong tương lai không xa, xe chạy điện sẽ dần thay thế được xe sử dụng xăng để hạn chế ô nhiễm môi trường từ khí thải”.

Hiện tại, ngoài Trung tâm dịch vụ xe điện Bách Khoa với 40 xe đạp điện đang được cho thuê, thì 140 xe còn lại của dự án đang được cho thuê tại một số địa điểm khác như trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương Mại, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và sắp tới là khu vực phố cổ.

Dự án BK-Ebike do tổ chức phi chính phủ Caritas (Thụy Sỹ) và Đối tác năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng (REEP) tài trợ từ năm 2014 - 2018. Chủ dự án là công ty TNHH Một Thành Viên Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings).

Dự án được đầu tư với tổng số vốn là hơn 177 nghìn Euro, tương đương hơn 4,5 tỷ đồng đồng. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 169 nghìn Euro, tương đương 4,3 tỷ đồng, vốn đối ứng của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là 208 triệu đồng.

Mục đích của dự án là cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp điện với tính chất năng lượng xanh, giao thông sạch; thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí CO2. Từ đó, dự án nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo, giải pháp giao thông sạch và bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

Mạnh Phúc

Nguồn bài viết : TK tần suất loto cặp

Top